Đỗ Trí Vinh
ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
- Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn.
- Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
- Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.
Các biểu hiện của thoái hóa khớp gối?
- Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng khớp gối và cơn đau tăng dần lên mỗi khi hoạt động hoặc di chuyển. Đặc biệt, mỗi khi cử động như duỗi chân thường nghe có tiếng kêu lục cục, lạo xạo ở đầu khớp gối.
- Tình trạng đau cứng khớp, co khớp gối thường xảy ra vào buổi sáng. Sau khi ngủ dậy, người bệnh phải mất khoảng 20 – 30 phút để làm ấm khớp mới có thể di chuyển được.
- Ở một số trường hợp, người bệnh cảm thấy nhấc chân khó, đi tập tễnh hoặc ngồi xuống rồi đứng lên cảm thấy khó khăn. Thậm chí, khi đứng lên cần phải có vật để vịn hoặc có sự giúp đỡ của người xung quanh.
- Khó khăn khi đứng lên, ngồi xuống, đặc biệt khi đi cầu thang. Khi bệnh chuyển nặng, người bệnh không thể bước lên cầu thang hoặc co được chân vì quá đau.
- Khớp gối bị sưng lên do bị tràn dịch khớp. Khi bệnh phát triển nặng và sụn bị tổn thương nghiêm trọng, khớp gối bị biến dạng, teo ổ khớp khiến người bệnh có thể bị lệch đầu gối, rất khó gập hoặc duỗi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động…
Thoái hóa khớp gối có bao nhiêu loại?
Thoái hóa khớp gối được chia làm hai loại là thoái hóa khớp gối nguyên phát và thứ phát
- Thoái hóa khớp gối nguyên phát
Là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, có thể ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm. Ngoài ra có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường…) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.
- Thoái hóa khớp gối thứ phát
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch…); Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài (genu valgum); Khớp gối quay vào trong (genu varum); Khớp gối quá duỗi (genu recurvatum…) hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp – bệnh Hemophilie…)
Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp gối gây nguy hiểm khi tiến triển thành những biến chứng, làm suy giảm chức năng vận động:
– Cứng khớp.
– Hạn chế vận động, đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng.
– Biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
– Teo cơ.
– Bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
Thoái hóa khớp gối điều trị như thế nào?
Điều trị không dùng thuốc quan trọng nhất là giảm cân nếu bị quá cân, hướng dẫn phương pháp tập luyện chống thoái hóa khớp gối hiệu quả; Vật lý trị liệu để giảm đau như vận động nhẹ nhàng tại giường tạo áp lực lên khớp gối, chườm nóng, hồng ngoại, siêu âm, ngâm suối nước nóng, massage… đều mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối.
Điều trị dùng thuốc: thuốc chống viêm giảm đau (đường uống, bôi tại chỗ, tiêm vào trong khớp gối), các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (Glucosamine sulfate và chondroitin sulfate, Diacerheine, piascledine,...)
Điều trị phẫu thuật gồm có: Điều trị dưới nội soi khớp (Cắt lọc, bào, rửa khớp), khoan kích thích tạo xương (microfrature), cấy ghép tế bào sụn, mổ thay khớp.
Đông y điều trị thoái hóa khớp như thế nào?
Theo quan niệm của y học cổ truyền, đau khớp gối là do chính khí cơ thể bất túc dẫn đến vệ khí bên ngoài bất cố làm cho ngoại tà như phong, hàn, thấp, nhiệt xâm phạm cơ thể làm cơ nhục, cân cốt, kinh lạc bị trệ tắc, rối loạn khí huyết mà gây ra.
Đau khớp gối trong đông y được chia làm hai loại:
Thực chứng:
1) Do phong hàn thấp tà, chủ yếu là phong tà gây nên
- Cơ chế: do phong hàn thấp xâm nhập cơ biểu, lưu trệ ở kinh lạc làm rối loạn vận hành khí huyết, bất thông tắc thống nên thấy đau nhức chân tay và các khớp.
- Triệu chứng:
+ Đau làm ảnh hưởng đến vận động khớp nên thấy co duỗi khớp khó khăn
+ Đau nhức các khớp có tính di chuyển, lúc thì đau ở chi trên khi lại ở chi dưới
+ Có thể kèm theo biểu hiện sốt, sợ gió hay sợ lạnh.
- Phép trị: khử phong thông lạc, tán hàn trừ thấp.
- Bài thuốc: Phòng phong thang
2) Do phong hàn thấp chủ yếu là hàn tà gây nên
- Cơ chế: phong hàn thấp xâm nhập cơ thể, hàn tà có tính ngưng trệ và co rút, lưu trú ở kinh lạc làm khí huyết trệ tắc gây đau dữ dội và đau cố định các khớp.
- Triệu chứng:
+ Đau nhức cơ khớp dữ dội, đau có tính chất cố định, gặp lạnh đau tăng, chườm nóng thì giảm.
+ Co duỗi khớp khó khăn
- Phép trị: ôn kinh tán hàn, khử phong trừ thấp.
- Bài thuốc: Ô đầu thang
Ô đầu 06g Ma hoàng 09g Xích thược 09g
Hoàng kỳ 09g Cam thảo 09g
Ô đầu đập nhỏ, sắc với 400ml mật ong cho đến khi còn lại khoảng 200ml; bốn vị thuốc còn lại cũng đập nhỏ sắc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml nước đổ nước sắc ô đầu vào đun tiếp để uống.
3) Do phong hàn thấp, chủ yếu là thấp tà gây nên
- Cơ chế: Do cơ thể cảm thụ phong hàn thấp, thấp tà có tính dính trệ, lưu trệ kinh lạc và cơ khớp làm rối loạn vận hành khí huyết gây ra.
- Triệu chứng:
+ Chân, tay nặng nề, tê buốt
+ Sưng nề các khớp, đau có tính chất cố định, hạn chế vận động các khớp.
- Phép trị: trừ thấp thông kinh lạc, khử phong tán hàn.
- Bài thuốc: Ý dĩ nhân thang
Ma hoàng 4g Đương qui 4g Bạch truật 4g
Ý dĩ nhân (8 - 10g) Quế chi 3g Thược dược 3g
Cam thảo 2g.
4) Do phong thấp nhiệt tà
- Cơ chế: do phong thấp nhiệt xâm phạm cơ thể hoặc do phong hàn thấp xâm nhập và uất trệ hóa hỏa làm thấp nhiệt ủng trệ kinh lạc dẫn đến khí huyết ứ trệ kinh lạc, các khớp.
- Triệu chứng:
+ Sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội các khớp, co duỗi khớp khó khăn.
+ Chườm lạnh giảm đau, không thích xoa nắn.
- Phép trị: Thanh nhiệt thông lạc, khử phong trừ thấp.
- Bài thuốc: Bạch hổ gia quế chi thang.
Thạch cao 50g Tri mẫu 18 g Cam thảo 06g
Ngạnh mễ 09g Quế chi 05g
Các vị thuốc trên nghiền thành bột, mỗi lần dùng 15g để sắc, uống lúc còn ấm.
Hư thực thác tạp:
* Thể can thận khuy tổn, hàn ngưng đàm ứ kinh lạc
- Triệu chứng:
+ Khớp sưng nề, biến dạng, cứng khớp, đau dữ dội.
+ Vận động khớp khó khăn, teo cơ
- Phép trị: Bổ thận tán hàn, điều đàm hóa ứ, khử phong thông lạc
- Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang
Sắc uống, ngày một thang.
Châm cứu
Thực chứng:
Giảm đau: Chọn huyệt mạch Túc thái âm tỳ, Túc dương minh vị, Túc thiếu âm thận: Châm tả
Huyệt chủ: Độc tỵ, tất nhãn, huyết hải, lương khâu, dương lăng tuyền, ủy trung.
Hư chứng:
Giảm đau: Chọn huyệt mạch Túc thiếu âm thận, Túc thái âm tỳ, Túc quyết âm can: Châm bổ
Huyệt chủ: Thận du, Thái khê, Quan nguyên, Thái bạch, Tam âm giao, Thái xung.
Thoái hóa khớp gối là bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng và có thể khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời. Bên cạnh việc điều trị tích cực hơn thì việc áp dụng chế độ ăn uống khoa học là điều không thể thiếu. Vậy người bị bệnh thoái hóa khớp gối nên ăn gì để tình trạng tiến triển tốt hơn?
Các loại cá nước lạnh
Cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích là những thực phẩm có chứa nhiều acid béo omega-3 – một loại chất kháng viêm hiệu quả. Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên ăn ít nhất 3 bữa cá 1 tuần.
Nước hầm xương ống
Các loại nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò, bê cung cấp rất nhiều glucosamin và chonroitin, đây là những hợp chất tự nhiên cấu thành sụn. Đồng thời, những món ăn này còn bổ sung cho cơ thể lượng canxi dồi dào, tốt cho hệ xương khớp.
Người bệnh thoái hóa khớp gối có thể bổ sung luân phiên các loại thịt heo, thịt gia cầm (như gà, vịt), tôm, cua để chế độ dinh dưỡng thêm đa dạng.
Các loại rau xanh
Trong thực đơn của những người có sức khỏe tốt thì tất cả các loại rau xanh đều rất quan trọng. Và đối với những người bị bệnh thoái hóa khớp gối thì loại thực phẩm này lại càng quan trọng hơn. Vì theo một số nghiên cứu khoa học những loại rau có lá màu xanh đậm rất giàu vitamin D và chất chống oxy hóa. Vitamin D cần thiết cho việc hấp thụ canxi nuôi dưỡng xương, tăng cường hệ thống miễn dịch và chống nhiễm trùng.
Trái cây
Đu đủ, dứa, chanh, cam chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C, đây là những hoạt chất tự nhiên giúp kháng viêm hiệu quả cũng như tăng cường độ dẻo dai cho các khớp.
Bên cạnh thiết lập cho bản thân chế độ dinh dưỡng khoa học tốt cho khớp gối, người bệnh đừng quên tránh xa các loại thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên hoặc nướng
- Các loại thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt
- Đồ uống có cồn như bia rượu, thuốc lá, cà phê,…
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối như thế nào?
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, phải giảm cân nếu thừa cân.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn và vừa phải. Không tập quá nặng quá nhiều và trong giai đoạn tiến triển của bệnh.
- Nên sinh hoạt và làm việc ở tư thế tốt. Tránh các tư thế hay động tác có hại cho khớp. Khi bị đau phải ngưng ngay động tác gây đau đó.
- Nên thường xuyên thay đổi tư thế sinh hoạt và làm việc. Tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu hoặc duy trì 1 tư thế trong thời gian dài.
- Không làm các việc nặng, nên nhờ sự giúp đỡ của người khác hoặc sử dụng các dụng cụ, thiết bị trợ giúp.
- Giữ cho nhịp sống luôn thoải mái, có chế độ làm việc, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
- Cố gắng duy trì các bài tập mạnh cơ để hỗ trợ khớp gối vững vàng hơn
- Tránh tư thế ngồi xổm vì sẽ làm mất cân bằng lực chịu sức trên khớp gối, gây đau khi cử động và làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn
- Khi đi lại nên dùng băng thun hoặc nẹp gối để cố định khớp gối, giúp khớp gối vững vàng hơn.
Luyện tập tại nhà ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối như thế nào?
- Tác dụng của tập luyện giúp các cơ và dây chằng khớp gối khỏe mạnh, dẻo dai và đặc biệt giúp cho các túi hoạt dịch quanh khớp tiết dịch vào khớp để nuôi dưỡng sụn khớp và bôi trơn cho khớp.
- Tập mạnh cơ 2 chi dưới và duy trì tầm vận động khớp gối bằng dụng cụ, tập đi lại trong thanh song song hoặc đi với gậy trong các trường hợp nặng
- Chương trình tập tại nhà
- Người bệnh nằm ngửa, 2 chân co-duỗi như đạp xe trên không
- Người bệnh nằm ngửa, chân bên phải gập bàn chân lên, nâng chân lên khoảng 40 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15-20 lần. Nếu lực cơ người bệnh tốt có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát (đeo ở vùng bắp chân hoặc cổ chân), trọng lượng tăng từ 0,5-4kg tùy theo khả năng người bệnh lực cơ sẽ mạnh nhanh hơn.
- Người bệnh nằm nghiêng bên phải, chân bên phải co lên, chân bên trái thẳng đồng thời gập cổ bàn chân trái về phía đầu, nâng cao chân trái khoảng 40 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì nghỉ, làm 15-20 lần, người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát. Sau đó nằm nghiêng qua bên trái, lặp lại động tác trên với chân bên phải.
- Người bệnh nằm sấp, co duỗi khớp gối đổi bên liên tục, có thể sử dụng thêm tạ cố định ở cổ chân để tăng kháng trở tập. Sau đó, tập nâng cả đùi lên khỏi giường.
- Người bệnh ngồi thòng hai chân xuống giường, chân bên phải gập mặt lưng cổ chân (ngóc cao cổ chân), giơ chân thẳng, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15-20 lần. Người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát.
Chú ý:
- Tập vừa với sức mình (ráng sức nhưng không quá sức): Nếu sau một buổi tập thấy đau tăng lên hoặc xuất hiện sưng khớp gối thì ngày hôm sau phải giảm thời gian tập xuống.
- Nên tập chia làm 2 đến 3 lần trong một ngày, không nên tập dồn vào một lúc. Như thế sẽ tập được nhiều hơn và phù hợp với khả năng của người lớn tuổi, có các bệnh khác phối hợp.
- CHỮA ĐAU BỤNG DO LẠNH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ (20.04.2022)
- ĐÔNG Y DÙNG THUỐC VÀ THỨC ĂN ĐIỀU TRỊ HẬU COVID-19 (27.03.2022)
- VÌ SAO CÁC KHỚP Ở CHI DƯỚI LẠI DỄ VIÊM DO GÚT NHIỀU HƠN CÁC KHỚP Ở CHI TRÊN? (23.12.2021)
- ĐAU ĐẦU - TRIỆU CHỨNG DỄ GẶP NHƯNG KHÓ CHỮA (04.07.2021)
- THOÁI HOÁ CỘT SỐNG CỔ (01.07.2021)
- THẤT BẢO MỸ NHIỆM ĐƠN - BÀI THUỐC CHỮA TÓC BẠC SỚM NỔI TIẾNG GẦN 500 NĂM CỦA CỔ NHÂN (29.06.2021)
- BAO TỬ HẦM TIÊU - MÓN ĂN KIỆN TỲ DƯỠNG VỊ (23.06.2021)
- BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT DƯƠNG HƯ TRONG MÙA LẠNH NHƯ THẾ NÀO? (21.01.2021)
- THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CÓ NÊN MỔ KHÔNG? (10.07.2020)
- UỐNG THUỐC SAO CHO ĐÚNG CÁCH (08.07.2020)