BS. Phạm Hữu Quang
ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
I. Thoái hóa cột sống cổ là gì?
Thoái hoá cột sống cổ là sự tổn thương toàn bộ khớp bao gồm tổn thương sụn là chủ yếu kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp, và màng hoạt dịch. Sự tổn thương này diễn tiến chậm, biểu hiện hẹp khe khớp, có gai xương và xơ xương dưới sụn. Tỉ lệ thoái hoá cột sống cổ đứng hàng thứ 2 sau thoái hoá cột sống thắt lưng.
II. Triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa cột sống cổ là gì?
- Đau cột sống cổ; Co cứng các cơ cạnh cột sống cổ; Hạn chế vận động cột sống cổ; Có tiếng lạo xạo cột sống cổ khi vận động...thường gặp trong Hội chứng cột sống cổ.
- Cảm giác đau vùng da đầu phía sau, đau tăng khi ho, hắt hơi hoặc khi nghiêng đầu quá mức về bên đau; Hoặc đau cột sống cổ lan xuống vùng vai, cánh tay, cẳng tay và bàn tay, kèm theo tê, có cảm giác kiến bò..... thường gặp trong Hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ.
- Đau đầu vùng gáy hay gặp vào buổi sáng; Chóng mặt mất thăng bằng; Ù tai, nghe như có tiếng xay lúa trong tai... thường gặp trong Hội chứng động mạch sống nền
III. Nguyên nhân nào dẫn đến thoái hóa cột sống cổ?
- Tuổi cao (>60 tuổi): các cấu trúc của cột sống cổ bị lão hoá cùng với tác động của lao động sinh hoạt làm cho quá trình thoái hoá tiến triển.
- Yếu tố cơ học: thường gặp ở người trẻ (<40 tuổi) do gia tăng lực đè nén lên mặt khớp gồm: Tư thế cột sống không đúng trong sinh hoạt và lao động (cúi nhiều, nghiêng lệch đầu nhiều, gối đầu cao khi ngủ, ngủ ngồi làm đầu lệch….); Do nghề nghiệp đầu chịu lực nhiều; chấn thương và các bệnh lý cột sống cổ.
IV. Điều trị thoái hóa cột sống cổ như thế nào?
Việc điều trị cần phối hợp giữa các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
1. Điều trị bằng thuốc sử dụng để điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng: gồm các nhóm thuốc giảm đau (Paracetamol, Idarac,...), kháng viêm không steroid (Ibuprofen, Meloxicam, Celecoxib,...); giảm đau thần kinh (Pregabalin, Gabapentin,...); thuốc giãn cơ (Myonal, Decotractyl,...); Thuốc bảo vệ và phục hồi dẫn truyền thần kinh (Mecobalamin, Nucleo CMP forte,...); Thuốc tăng cường tuần hoàn máu não; Thuốc loãng xương…..
2. Điều trị không dùng thuốc: nhiều biện pháp điều trị không dùng thuốc không chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng mà còn có tác dụng dự phòng và làm chậm quá trình thoái hoá cột sống cổ, bao gồm:
- Nghỉ ngơi, bất động cột sống cổ, đeo nẹp cổ trong vòng 1 – 2 tuần đầu khi đi lại và ngồi trong giai đoạn cấp.
- Điều trị bằng vật lý trị liệu như hồng ngoại, điện xung, siêu âm…giúp giảm đau, giảm co cứng cơ, tăng tuần hoàn, dinh dưỡng cơ.
- Điều trị bằng biện pháp cơ học như xoa bóp, tập phục hồi tầm vận động cột sống cổ, kéo giãn cộ sống cổ giúp giảm đau, giản cơ, phục hồi tầm vận động và dự phòng thoái hoá tiến triển.
- Các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp và thuốc thảo dược tỏ ra chiếm ưu thế trong bệnh lý thoái hóa cột sống cổ giai đoạn mạn tính. Các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân điều trị bằng y học cổ truyền vì tính hiệu quả, khả năng phục hồi cao, phòng ngừa tái phát và quan trọng nhất là an toàn và ít tác dụng phụ.
V. Quan điểm YHCT về thoái hóa cột sống cổ như thể nào?
Trong YHCT không có bệnh danh Thoái hóa cột sống cổ, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lý này được mô tả từ rất lâu trong phạm vi chứng Tý (Tý có nghĩa là bí, là tắc lại mà gây đau).
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
- Ngoại nhân: Do vệ khí bảo vệ cơ thể không đủ, các tà khí như phong, hàn, thấp, nhiệt... thừa cơ xâm nhập vào cân cơ, kinh lạc, cốt tiết.... làm sự vận hành của khí huyết bị tắc trở, dẫn đến mất sự nuôi dưỡng gây ra các chứng đau.
- Nội thương: Người già, người mắc bệnh lâu ngày, người bẩm tố yếu ớt làm cho khí huyết không đầy đủ, tạng phủ không sung túc nên không nuôi dưỡng được cân, cơ, cốt tiết... lâu ngày gây đau nhức.
- Bất nội ngoại nhân: các sang chấn xảy ra trong quá trình sinh hoạt, làm việc như ngủ gối quá cao, ngồi làm việc văn phòng, máy tính, xem điện thoại... trong thời gian dài, mang vác nặng, chấn thương thể thao... sẽ gây khí huyết ứ trệ, kinh lạc không thông suốt gây đau, tê, mỏi.
VI. YHCT điều trị thoái hóa cột sống cổ ra sao?
YHCT điều trị theo tiêu chí “biện chứng cầu nhân”, có nghĩa là dựa trên các triệu bệnh lý của bệnh nhân mà tìm ra nguyên nhân, sau đó mới tiến hành điều trị. Có tìm ra nguyên nhân, tìm ra gốc rễ của bệnh thì mới chữa dứt được bệnh.
Theo YHCT, bệnh lý thoái hóa cột sống cổ có thể gặp các thể lâm sàng sau:
1. Phong hàn thấp
- Triệu chứng: Đau cứng cổ gáy, khó xoay trở, xuất hiện sau khi tiếp xúc với lạnh hoặc làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên, đau tăng khi gặp lạnh, về đêm, giảm khi chườm ấm, người có thể có cảm giác ớn lạnh, sợ gió sợ lạnh, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch phù hoặc phù khẩn.
- Pháp trị: Khu phong tán hàn, ôn thông kinh lạc
- Bài thuốc: Khương hoạt 10g, Phòng phong 8g, Tang ký sinh 12g, Uy linh tiên 12g, Quế chi 6g, Xuyên khung 12g, Đan sâm 12g, Tế tân 4g, Trần bì 8g, Chỉ xác 8g, Rễ cỏ xước 12g.
Trong bài thuốc Phòng phong, Độc hoạt, Tang ký sinh khu phong tán hàn trừ thấp đóng vai trò làm chủ dược. Uy linh tiên, Quế chi ôn thông kinh lạc. Đan sâm, Xuyên khung hành khí hoạt huyết phối hợp với Rễ cỏ xước phá huyết, tiêu ứ, bổ Can Thận. Với tiêu chí “trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”. Trần bì, Chỉ xác bổ khí, hành khí, thúc đẩy huyết vận hành (khí hành thì huyết hành).
- Châm + cứu ấm bằng điếu ngải (15 phút), châm tả các huyệt Phong trì, Cảnh bách lao, Kiên ngoại du, Kiên tỉnh, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc.
- Chườm nóng bằng hỗn hợp: muối hột, ngải cứu, gừng, rượu. (15 – 20 phút).
- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn, bấm các huyệt vùng cổ gáy bị đau.
2. Huyết ứ
- Triệu chứng: Đau đột ngột, dữ dội tại một điểm, đau lan xuống vai, cánh tay, hạn chế vận động nhiều, có liên quan đến chấn thương, sai tư thế. Chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch sáp.
- Pháp trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh chỉ thống
- Bài thuốc: Hồng hoa 6g, Chích Cam thảo 4g, Khương hoạt 12g, Địa long 6g, Ngũ linh chi 12g, Đào nhân 6g, Một dược 8g, Hương phụ chế 12g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Tần giao 12g, Ngưu tất 12g.
Trong bài thuốc Hồng hoa, Đào nhân, Xuyên khung, Đương quy hoạt huyết khử ứ làm chủ dược. Khương hoạt, Tần giao khu phong trừ thấp. Ngũ linh chi, Một dược, Hương phụ hành khí hoạt huyết, chỉ thống. Ngưu tất, Địa long sơ thông kinh lạc, lợi quan tiết. Cam thảo điều hòa các vị thuốc.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt: Hợp cốc, Hậu khê, Kiên tỉnh, Thiên trụ, Thân mạch, Tam âm giao, A thị.
- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn, bấm các huyệt vùng cổ gáy bị đau.
3. Can Thận hư
- Triệu chứng: Đau nhức vai gáy và ngực lưng, đau căng đầu, tê tay, đau lưng mỏi gối, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, lưỡi đỏ ít rêu. Mạch tế sác.
- Pháp trị: Tư dưỡng Can Thận, hoạt huyết thông kinh lạc.
- Bài thuốc: Thục địa 12g, Bạch thược 10g, Tri mẫu 8g, Hoàng bá 10g, Trần bì 6g, Quy bản 12g, Can khương 4g, Cẩu tích 12g, Cốt toái bổ 12g.
Trong bài thuốc Thục địa, Quy bản tư âm dưỡng Thận, ích tinh tủy. Tri mẫu, Hoàng bá tư âm giáng hỏa. Bạch thược nhuận Can dưỡng cân. Cẩu tích, Cốt toái bổ cường cân kiện cốt. Can khương, Trần bì ôn trung, lý khí tỉnh Tỳ.
- Châm cứu: Châm bổ các huyệt Thái khê, Đại trữ, Huyền chung, Giáp tích C4 – C7, Thiên trụ, Thủ tam lý, A thị.
- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn, bấm các huyệt vùng cổ gáy bị đau.
VI. Kết hợp Đông Tây y thế nào?
- Đối với thể Can Thận hư: có thể kết hợp với thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm.
- Đối với thể Huyết ứ: nếu có nguyên nhân do sai tư thế, thoát vị đĩa đệm có thể kết hợp kéo giãn cột sống cổ
VIII. Điều trị ngoại khoa khi nào?
Điều trị ngoại khoa khi có các chỉ định bắt buộc như tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, chèn ép tủy cổ hoặc điều trị nội khoa thất bại.
IX. Phòng bệnh như thế nào?
1. Thay đổi lối sống:
- Sau mỗi ngày làm việc cần xoa bóp, tập luyện chăm sóc vùng cổ, phân phối hợp lý giữa thời gian lao động và nghỉ ngơi, hạn chế tối đa những dộng tác không tốt ảnh hưởng đến cột sống cổ sẽ giúp dự phòng và làm chậm quá trình thoái hóa cột sống cổ.
- Luôn duy trì tư thế đúng khi làm việc
- Không ngủ gối quá cao
- Tránh tối đa các chấn thương
- Không nên thực hiện các động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi cổ, hãy vận động cổ nhẹ nhàng theo tầm vận động
2. Tập vận động cột sống cổ:
- Thực hiện các bài tập: Cúi và ưỡn cổ, nghiêng đầu sang hai bên, xoay đầu.
Tập thể dục toàn thân như bơi, yoga
- Duy trì chế độ ăn hợp lý, nhiều rau xanh, ít chất béo, bổ xung canxi.
- CHỮA ĐAU BỤNG DO LẠNH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ (20.04.2022)
- ĐÔNG Y DÙNG THUỐC VÀ THỨC ĂN ĐIỀU TRỊ HẬU COVID-19 (27.03.2022)
- VÌ SAO CÁC KHỚP Ở CHI DƯỚI LẠI DỄ VIÊM DO GÚT NHIỀU HƠN CÁC KHỚP Ở CHI TRÊN? (23.12.2021)
- ĐAU ĐẦU - TRIỆU CHỨNG DỄ GẶP NHƯNG KHÓ CHỮA (04.07.2021)
- THẤT BẢO MỸ NHIỆM ĐƠN - BÀI THUỐC CHỮA TÓC BẠC SỚM NỔI TIẾNG GẦN 500 NĂM CỦA CỔ NHÂN (29.06.2021)
- BAO TỬ HẦM TIÊU - MÓN ĂN KIỆN TỲ DƯỠNG VỊ (23.06.2021)
- BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT DƯƠNG HƯ TRONG MÙA LẠNH NHƯ THẾ NÀO? (21.01.2021)
- THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CÓ NÊN MỔ KHÔNG? (10.07.2020)
- UỐNG THUỐC SAO CHO ĐÚNG CÁCH (08.07.2020)
- THỦY CHÂM TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU THẦN KINH TỌA (04.07.2020)