ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
Bạn có cảm thấy bàn tay, bàn chân của mình hay dễ bị lạnh? Khó chịu khi tiếp xúc với lạnh hoặc tiêu chảy sau khi ăn (uống) thức ăn sống lạnh? Hay rất dễ bị cảm lạnh không?
Nếu thường xuyên mắc phải những phiền toái trên, rất có thể bạn là người thuộc thể chất “dương hư” của Y học cổ truyền.
Vậy thể chất là gì? Thể chất còn được gọi là “tố chất”, “khí chất”, “phẩm chất”, “hình dạng”,… Mỗi cá thể có sự khác nhau về hình dạng, công năng sinh lý và tâm lý. Thể chất là các đặc điểm cá nhân tương đối ổn định về cấu trúc hình thái, chức năng sinh lý trạng thái tinh thần được hình thành trên cơ sở bẩm thụ từ tiên thiên và nuôi dưỡng của hậu thiên. Khái niệm cơ bản về thể chất bao gồm cả hình dạng và tinh thần, nó sẽ tạo ra các chức năng sinh lý và tâm lý tương ứng với hình thái kết cấu nhất định.
Theo Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc, thể chất được phân làm chín thể: thể trung tính, thể khí hư, thể dương hư, thể âm hư, thể đàm thấp, thể thấp nhiệt, thể huyết ứ, thể khí trệ, thể đặc biệt.
Từ xa xưa, Y học cổ truyền đã nhấn mạnh nguyên tắc “Nhân nhân chế nghi” (có nghĩa là tùy theo từng người mà có cách thức phù hợp), chính là thể hiện phương diện ứng dụng học thuyết thể chất trong lâm sàng, đại diện cho tư tưởng cá thể hóa chẩn đoán và điều trị.
Trong mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, hàn tà thái quá, với người bình thường, khí lực sung mãn, vệ khí chắc chắn thì sẽ không đáng ngại. Nhưng đối với người có thể chất dương hư, dương khí bất túc, vệ khí sơ hở, rất dễ cảm nhiễm hàn tà từ bên ngoài gây bệnh cho cơ thể, hay những “điểm yếu” vốn có hàng ngày nay sẽ trầm trọng thêm. Do đó việc hiểu được cơ thể, có biện pháp phòng ngừa từ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi… không để bệnh tật có cơ hội hình thành là điều vô cùng quan trọng, giúp bảo dưỡng sức khỏe về lâu về dài được tốt nhất.
Thế nào là người có thể chất dương hư?
- Đặc điểm chung: có các biểu hiện của hư hàn như là dương khí bất túc, người mệt mỏi, dễ buồn ngủ, suy nhược toàn thân, sợ gió sợ lạnh, tay chân lạnh.
- Đặc điểm hình thể: cơ nhục mềm yếu.
- Biểu hiện thường gặp: sợ lạnh, tay chân lạnh, thích ăn uống ấm, tinh thần không hưng phấn, dễ mệt mỏi, lưỡi nhợt bệu, mạch trầm trì.
- Đặc điểm tâm lý: tính cách trầm lặng và hướng nội.
- Xu hướng mắc bệnh: dễ mắc các bệnh ho có đàm, tay chân sưng phù, tiết tả (tiêu chảy), cảm ngoại tà.
- Khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài: chịu được mùa hè, không chịu được mùa đông, dễ cảm phong, hàn, thấp tà.
Người có thể chất dương hư nên dự phòng bệnh vào mùa lạnh như thế nào?
- Ăn uống: Ăn nhiều thức ăn làm ấm cơ thể: bột ngũ cốc, gạo nếp,…; thịt cừu, thịt bò, thịt gà,… cá trắm cỏ, cá diếc,…các loại tỏi, mù tạt, rau mùi, bí đỏ, gừng, tiêu, ớt... các loại hạt như quả óc chó, hạt điều, đậu phộng,… các loại trái cây như vải, nhãn, đào, chà là, cam,.. Cũng nên ăn một ít củ cải, bắp cải, cần tây, rau xanh nấu chín để tránh “bốc hỏa” khi dùng quá nhiều đồ ấm nóng. Khi ăn rau, cần phải dùng gia vị cay nóng như gừng, tỏi, tiêu…. Có thể dùng thêm món súp hầm Hoàng kỳ, Câu kỷ. Người già yếu có thể dùng Đông trùng hạ thảo và Nhân sâm để bồi bổ thêm.
- Vận động: Theo nguyên tắc "Động tắc sinh dương” (có nghĩa là hoạt động tạo ra dương), tăng cường vận động thể chất, chọn các bài tập phù hợp về cường độ và loại hình như chọn yoga, Thái Cực Quyền, Ngũ Cầm Hí…
- Tránh tiếp xúc với gió, lạnh và ẩm ướt, sinh hoạt điều độ, bỏ thuốc lá và rượu bia, giảm căng thăng và bớt lo lắng.
- Nên cứu ấm bằng điếu ngải các huyệt Mệnh môn, Quan nguyên, Trung quản, Túc tam lý để làm ôn ấm Tỳ Thận và bồi bổ cơ thể.
- CHỮA ĐAU BỤNG DO LẠNH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ (20.04.2022)
- ĐÔNG Y DÙNG THUỐC VÀ THỨC ĂN ĐIỀU TRỊ HẬU COVID-19 (27.03.2022)
- VÌ SAO CÁC KHỚP Ở CHI DƯỚI LẠI DỄ VIÊM DO GÚT NHIỀU HƠN CÁC KHỚP Ở CHI TRÊN? (23.12.2021)
- ĐAU ĐẦU - TRIỆU CHỨNG DỄ GẶP NHƯNG KHÓ CHỮA (04.07.2021)
- THOÁI HOÁ CỘT SỐNG CỔ (01.07.2021)
- THẤT BẢO MỸ NHIỆM ĐƠN - BÀI THUỐC CHỮA TÓC BẠC SỚM NỔI TIẾNG GẦN 500 NĂM CỦA CỔ NHÂN (29.06.2021)
- BAO TỬ HẦM TIÊU - MÓN ĂN KIỆN TỲ DƯỠNG VỊ (23.06.2021)
- THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CÓ NÊN MỔ KHÔNG? (10.07.2020)
- UỐNG THUỐC SAO CHO ĐÚNG CÁCH (08.07.2020)
- THỦY CHÂM TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU THẦN KINH TỌA (04.07.2020)