ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
Một trong những vấn đề gây băn khoăn cho cả thầy thuốc và bệnh nhân đó là quyết định có nên mổ thoát vị đĩa đệm hay không?! Trong thực hành lâm sàng, bệnh nhân thường có tâm lý e ngại việc “đụng dao đụng kéo” vào cơ thể, lo sợ việc phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe về sau, có thể gây tàn phế hoặc tình huống xấu nhất là tử vong. Liệu điều này có phải là sự thật?
Thực tế, trong quá trình điều trị các bác sĩ luôn có những theo dõi và tính toán trước những tình huống xấu, tiên lượng thời điểm phải tiến hành phẫu thuật. Thông thường các bác sĩ sẽ dựa vào những điều sau đây:
- Chỉ định mổ cấp cứu cho những trường hợp:
- Đau dữ dội, đau không thể chịu đựng được, không có tư thế giảm đau kể cả dùng morphin cũng không hết đau.
- Bệnh nhân liệt đột ngột, có thể ở thời điểm thăm khám không liệt nhưng vài tiếng sau xuất hiện, triệu chứng tiến triển càng nhanh thì sẽ được chỉ định mổ cấp cứu càng sớm. Đặc biệt nhất là bệnh nhân được xét chỉ định mổ cấp cứu càng sớm càng tốt để tranh thủ vấn đề hồi phục khi có triệu chứng chèn ép.
- Thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa: do chèn ép rễ thần kinh dẫn đến giảm trương lực cơ gây yếu hoặc liệt các nhóm cơ do rễ thần kinh chi phối hoặc do khối thoát vị lớn vào trong ống sống gây liệt mềm đột ngột hai chi dưới kèm theo rối loạn cơ tròn và rối loạn cảm giác tầng sinh môn hình yên ngựa.
- Ở các trường hợp còn lại có thể chỉ định mổ theo chương trình khi bệnh nhân:
- Điều trị nội khoa thất bại (liên tục trong 6-8 tuần, không có đáp ứng)
- Điều trị nội khoa nhưng tái phát trở lại.
- Điều trị nội khoa nhưng xuất hiện các dấu hiệu mới như liệt tiến triển hoặc đau nhiều hơn, không thể dung nạp được với thuốc điều trị nội khoa hoặc bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng dạ dày họ không chịu được các tác dụng phụ của thuốc…
- Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.
Như vậy, không phải bất cứ thoát vị đĩa đệm nào tại vùng cột sống đều bắt buộc phải mổ. Nếu bác sĩ chỉ định đúng, thường mang lại kết quả cao và thoả mãn được mong đợi của người bệnh. Ngược lại, sẽ dẫn đến hiệu quả điều trị thấp, nhiều biến chứng, liệt người, thậm chí tử vong.
Hiện có hai phương pháp được coi là chính thống trong điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện hàng ngày tại nhiều bệnh viện lớn, là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Hai phương pháp này là mổ xâm lấn tối thiểu, phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Thực tế không phải bệnh nhân nào cũng có thể được bác sĩ chỉ định mổ. Khi gặp bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, có bệnh toàn thân như tim mạch, tiểu đường nặng, hoặc thoái hoá cột sống quá nặng thì không thể điều trị bằng phẫu thuật được vì rất dễ gặp biến chứng khi gây mê và trong quá trình mổ.
- ĐIỀU TRỊ CẢM MẠO BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN (21.09.2017)
- ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM SAU SINH BẰNG ĐÔNG Y (21.09.2017)
- KẾT HỢP ĐÔNG TÂY Y ĐIỀU TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI (21.09.2017)
- ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG BẰNG ĐÔNG Y (22.09.2017)
- CHẾ ĐỘ ĂN LOW CARB – LỢI HAY HẠI? (22.09.2017)
- ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ LIỆT DÂY THẦN KINH VII NGOẠI BIÊN (22.09.2017)
- LÁ ĐU ĐỦ CHỮA UNG THƯ? (22.09.2017)
- NHỮNG “KẺ PHẢN ĐỒ” NGAY BÊN TRONG THỰC PHẨM (22.09.2017)
- PHỤ NỮ BỊ RONG KINH PHẢI LÀM SAO? (22.09.2017)
- BÀI THUỐC “XỔ LÒNG” DÀNH CHO PHỤ NỮ SAU SINH (22.09.2017)