ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
Thất bảo mỹ nhiệm đơn có xuất xứ từ sách Bản Thảo Cương Mục (đời nhà Minh), gồm 7 vị thuốc Hà thủ ô, Phục linh, Ngưu tất, Đương quy, Thỏ ty tử, Bổ cốt chỉ hợp thành. Dùng trong trường hợp Thận thủy suy tổn, khí huyết bất túc dẫn đến râu tóc bạc sớm, tóc rụng, răng lung lay, đau lưng mỏi gối, mộng di hoạt tinh, gân cốt yếu mỏi, suy giảm ham muốn...
Hình 1. Sách Bản Thảo Cương Mục
Thực ra, tên gốc bài thuốc này là “Thất bảo mỹ nhiêm đơn”. Trong đó “Thất bảo” là do trong bài thuốc có 7 vị thuốc ích Can bổ Thận công hiệu mạnh mẽ, quý giá như bảo vật trân quý. “Mỹ nhiêm” có ý nghĩa râu tóc đen bóng. Xưa kia, Quan Vân Trường vào thời Tam Quốc được mô tả “Thân trường thất xích, tế nhãn trường nhiêm” (身長七尺, 細眼長髯) có nghĩa “mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài”, vì có râu đen dài nên được gọi là “Mỹ Nhiêm Công”.
Hình 2. Mỹ Nhiêm Công - Quan Vân Trường
Sau khi dùng bài thuốc này, Can Thận được bổ ích, tinh huyết sung túc, râu tóc bóng mượt, tinh thần thoải mái, thân thể tráng kiện một cách màu nhiệm, nên người đời quen gọi là “Thất bảo mỹ nhiệm đơn”.
Đông y cho rằng, tạng Thận chứa tinh tiên thiên, là gốc của âm dương, tạng phủ, là cội nguồn của sinh mệnh, nên gọi là “tiên thiên chi bản”. Can chủ tàng huyết, Thận chủ tàng tinh, tinh sinh huyêt, huyết hóa tinh, tinh huyết đồng nguyên, nên gọi là “Can Thận đồng nguyên”. Về mặt bệnh lý, hai tạng Can Thận có ảnh hưởng qua lại với nhau, Thận tinh suy tổn có thể dẫn đến Can huyết bất túc, Can huyết bất túc cũng có thể dẫn đến Thận tinh suy tổn. Nếu cả Can Thận cùng bất túc, sẽ khiến cho râu tóc bạc sớm, răng lung lay, mộng di hoạt tinh, đau lưng mỏi gối.
Thận tàng tinh, vinh nhuận tại tóc, Can tàng huyết, mà tóc lại là huyết dư. Tóc đen dài hay dễ gãy rụng, bóng mượt hay khô xơ đều có mối quan hệ mật thiết với chức năng của hai tạng Can Thận. Can Thận bất túc sẽ dẫn đến lão hóa sớm, tóc khô yếu, bạc sớm, dễ gãy rụng. Thất bảo mỹ nhiệm đơn với công năng bổ ích Can Thận nhiệm mầu sẽ làm đen râu tóc, ngăn ngừa được tóc bạc, tóc rụng.
Nói đến tác dụng tuyệt vời trên phải nhắc đến sự phối ngũ chặt chẽ của các vị thuốc, cùng nhau hiệp đồng để đạt được tác dụng mong muốn. Cụ thể trong bài, Hà thủ ô bổ Can Thận, ích tinh huyết, đen râu tóc, mạnh cân cốt đóng vai trò Quân dược. Phục linh bổ Tỳ ích khí, định tâm an thần, bào chế với sữa mẹ, tăng lực tư bổ. Sách “Tùy tức cư ẩm thực phổ” cho rằng sữa mẹ có khả năng bổ huyết, thêm dịch, chấn tinh, hóa khí, sinh cơ, an thần, ích trí nên đóng vai trò làm Thần dược. Câu kỷ tử, Thỏ ty tử ích tinh huyết; Đương quy bổ huyết dưỡng Can; Ngưu tất bổ Can Thận, mạnh cân cốt, hoạt huyết thông mạch. Bốn vị trên tẩm rượu giúp cho tăng lực thuốc đi lên trên. Hợp với Bổ cốt chỉ bổ Thận ôn dương, cố tinh chỉ di đóng vai trò làm Tá dược. Các vị thuốc kết hợp với nhau có tác dụng bổ Can ích Thận, ích tinh huyết, mạnh gân cốt, đen râu tóc.
Sau đây xin giới thiệu đến quý vị thành phần và cách bào chế bài thuốc màu nhiệm này: Hà thủ ô (đỏ, trắng) 500g, Đương quy 250g, Bổ cốt chỉ 120g, Phục linh (đỏ, trắng) 500g, Ngưu tất 250g, Câu kỷ tử 250g, Thỏ ty tử 250g.
Cách dùng: Tán bột (Hà thủ ô trộn với đậu đen, 9 lần chưng 9 lần phơi; Phục linh trộn với sữa sao; Ngưu tất tẩm rượu chưng chung với Hà thủ ô 9 lần, phơi khô; Phá cố chỉ trộn với Mè đen sao thơm; Đương quy ngâm rượu, phơi khô; Câu kỷ tử ngâm rượu, phơi khô; Thỏ ty tử ngâm rượu đến mọc mầm, nghiền nát, phơi khô), luyện mật làm hoàn, mỗi lần 09g, ngày 2 lần, uống với nước muối nhạt.
Chú ý: Khi phối chế thuốc không dùng dụng cụ bằng sắt.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Bảo Lưu, Nguyễn Trương Minh Thế (2021), Phương tễ học, NXB Y học.
2. Lý Ký, Liên Kiện Vĩ (2018), Phương tễ học, NXB Trung Y Dược Trung Quốc, Bắc Kinh.
- ĐÔNG Y HIỂU BIẾT VÀ PHÒNG NGỪA VIÊM QUANH KHỚP VAI NHƯ THẾ NÀO? (06.12.2024)
- ĐẬU PHỘNG: THỰC PHẨM TUYỆT VỜI CHO TIÊU HÓA VÀ HÔ HẤP (04.12.2024)
- MỖI NGÀY ĂN 3 QUẢ TÁO, TRĂM TUỔI KHÔNG GIÀ (30.11.2024)
- QUẢ SUNG: GIẢI NHIỆT, SINH TÂN DỊCH, KIỆN TỲ VỊ (30.11.2024)
- Ăn ngọt để giảm stress! Đông y quan niệm thế nào? (15.11.2024)
- BÀI TẬP PHỤC HỒI VẬN ĐỘNG TRONG VIÊM CHU VAI (12.11.2024)
- MỘT SỐ BÀI TẬP CHO NGƯỜI THOÁI HÓA KHỚP GỐI (12.11.2024)
- KẾT HỢP ĐÔNG TÂY Y TRONG ĐIỀU TRỊ SA DẠ DÀY (23.10.2024)
- TẠI SAO UỐNG THUỐC TÂY LẠI KHIẾN CƠ THỂ CẢM THẤY "NÓNG", CÒN THUỐC ĐÔNG Y THÌ SAO? (14.10.2024)
- NGƯỜI BỆNH XƯƠNG KHỚP CÓ CẦN KIÊNG “MĂNG, CÀ” NHƯ “ÔNG BÀ XƯA” THƯỜNG DẠY KHÔNG? (11.10.2024)