Ys Nguyễn Duy Luân
ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT
ĐH Y Dược TP. HCM
Viêm amidan là bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, gây ra những triệu chứng đau rát họng, khó nuốt, thậm chí nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, diễn biến của bệnh sẽ trở nên nặng hơn, thậm chí dẫn tới nhiễm khuẩn máu, viêm hệ hô hấp và viêm cầu thận. Tuy nhiên, đôi khi viêm amidan được chẩn đoán nhầm với các bệnh đường hô hấp khác.
Amidan là gì và có vai trò như thế nào?
Amidan là một tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể nằm tập trung phía dưới niêm mạc hầu thành đám nằm ở hai bên thành họng tạo thành một vòng bạch huyết Waldayer bao gồm amidan vòm họng (còn gọi là VA, amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi. Trong đó, amidan khẩu cái lớn nhất, nằm ở hai bên thành họng và cũng là amidan hay bị viêm nhất. Khi quan sát bằng mắt thường ta có thể dễ dàng thấy được một phần của amidan.
Vai trò của amidan là miễn dịch có lợi cho cơ thể. Khi cơ thể bị xâm nhập bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp (vi khuẩn, virus…), vai trò của amidan là tiết ra kháng thể và các lympho bào giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây viêm Amidan
Do cấu tạo của amidan có nhiều khe, hốc nhỏ, vì vậy nó là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại. Dưới đây là những yếu tố gây bệnh chủ yếu:
- Nhiễm các loại virus như: Virus cúm, Adenovirus, Enterovirus, virus Parainfluenza, virus herpes simplex, virus Epstein-Barr…
- Vệ sinh răng miệng kém: Người bệnh không làm vệ sinh răng miệng hoặc thực hiện không đúng cách có thể tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công Amidan và gây bệnh.
- Có các bệnh về tai mũi họng: Tai - Mũi - Họng là ba cơ quan có quan hệ mật thiết, nối với nhau thông qua các lỗ xoang. Do đó, nếu vi khuẩn tấn công một trong ba cơ quan này, nếu không xử lý điều trị kịp lúc có thể dẫn đến lây lan và gây bệnh cho hai cơ quan còn lại.
- Môi trường sống không đảm bảo: Ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn, khói thuốc,… đều có thể dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng và làm tăng viêm Amidan hốc mủ.
- Ảnh hưởng của thời tiết: Thay đổi thời tiết, chuyển mùa cũng có thể khiến cơ thể kém thích nghi, bị tác động và dẫn đến các tổn thương Amidan.
Ngoài ra, đôi khi viêm Amidan hốc mủ cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân không phổ biến như hút thuốc, thói quen ăn uống thức ăn lạnh, nghiện rượu bia, thích thức ăn cay nóng,…
Viêm Amidan có những loại nào?
- Viêm Amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính thường gặp ở người bệnh từ 3-4 tuổi trở lên với các triệu chứng của amidan khẩu cái bị sung huyết (màu đỏ và sưng lên) và tiết nhiều dịch, đây là triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu của viêm nhiễm. Ngoài ra, còn có thể có thêm các triệu chứng khác như sốt, amidan có các đốm màu trắng hoặc vàng, nổi hạch bạch huyết tại cổ và hàm, đau tai và nhức đầu.
Viêm Amidan mạn tính
Khác với viêm amidan cấp tính, viêm amidan mạn tính có triệu chứng không điển hình và khá nghèo nàn. Đây là tình trạng viêm tái lại nhiều lần với các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính, nhưng có thêm những dấu hiệu như sau:
- Triệu chứng đặc trưng của viêm amidan là người bệnh có hơi thở hôi, mặc dù đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu.
- Bệnh xảy ra trên nền thể trạng kém, gầy yếu và có thể sốt về chiều.
- Khi nuốt có cảm giác vướng ở cổ họng.
- Ho khan từng cơn, đặc biệt ho kéo dài khi ngủ dậy vào buổi sáng.
- Do ho nhiều nên gây ra rát họng và giọng nói của người bệnh thay đổi.
- Đối với trẻ nhỏ có một số các triệu chứng khác như quấy khóc, chảy nước dãi do tăng tiết dịch, chán ăn, thở khò khè và nghe thấy tiếng ngáy khi ngủ.
- Thậm chí, một số trường hợp viêm amidan sưng to đến nỗi gây chẹn họng và khiến người bệnh khó thở
Điều trị viêm Amidan như thế nào?
- Trường hợp viêm amidan nhẹ: Không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc như súc họng bằng nước ấm, nước muối, uống nước gừng mật ong…
- Viêm amiđan cấp: kháng sinh, giảm ho, giảm đau. Quẹt họng tìm vi khuẩn.
- Viêm amiđan mạn: điều trị triệu chứng (giảm ho, giảm đau). Phẫu thuật cắt amiđan
Phẫu thuật cắt Amidan khi nào?
Tiến hành phẫu thuật cắt Amidan khi có những một trong những chỉ định sau:
- Hội chứng ngừng thở lúc ngủ do chèn ép.
- Amiđan quá phát gây khó nuốt, nói ngọng, ngủ ngáy, không tăng trọng, làm trẻ chậm phát triển.
- Amiđan viêm mạn bộc phát cấp tính 3- 5 lần/năm.
- Tình trạng viêm amiđan có biến chứng: áp xe quanh amiđan, thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận cấp.
- Tình trạng viêm mạn hốc mủ, có bã đậu gây hôi miệng thường xuyên.
- Viêm amiđan có sỏi.
- Phết họng Amiđan có mầm bệnh như Streptococcus hemolytic nhóm A, bạch hầu, nấm.
- Nghi ngờ ác tính.
Đông y điều trị viêm Amidan thế nào?
Trong Đông y không có bệnh danh viêm amidan. Tuy nhiên các triệu chứng của viêm amidan cấp tính thuộc phạm trù “phong nhiệt nhũ nga”; còn viêm amidan mạn thuộc phạm trù “hư hỏa nhũ nga”.
Bệnh do tà độc phong nhiệt theo miệng mũi xâm nhập vào phế hệ, tà độc đánh kết khô hầu hạch, làm mạch lạc bị ngăn trở, màng cơ bị thiêu đốt; hoặc ngoại tà ủng thịnh, thừa thế truyền vào lý, phế vị nhiệt thịnh, hỏa nhiệt bốc lên trên, đánh kết khô hầu hạch, màng cơ bị thiêu đốt; hoặc ăn nhiều thức ăn nướng chiên, uống quá nhiều rượu nóng, tỳ vị uẩn nhiệt, nhiệt độc công lên trên, đánh vào hầu hạch mà thành bệnh.
Phong nhiệt nhũ nga
- Triệu chứng: Vùng họng đau nhức, nuốt khó khăn, lúc nuốt rất đau, cổ họng có cảm giác khô ráo thiêu nóng, hầu hạch sưng đỏ luôn cả xung quanh vùng họng. Kèm phát sốt sợ lạnh, đau đầu, mũi nghẹt, tay chân mình mẩy mệt mỏi khó chịu, ho, đầu rìa lưỡi đỏ, rêu mỏng trắng hơi vàng, mạch phù sác là thể phong nhiệt ngoại xâm.
- Pháp trị: Sơ phong thanh nhiệt, giải độc tiết hỏa, lợi yết tiêu thũng.
- Bài thuốc: Thanh yết lợi cách thang gia giảm: Ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, kim ngân hoa 36g, liên kiều 20g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, hoàng cầm 4g, xuyên tiêu 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt hợp cốc, nội đình, khúc trì là chủ huyệt, thiên đột, thiểu trạch, ngư tế là phối huyệt, mỗi lần chọn 3-4 huyệt, kích thích mạnh, ngày châm 1-2 lần.
Hư hỏa nhũ nga
- Triệu chứng: Vùng họng khô nóng khó chịu, hơi đau, hơi ngứa, ho khan không đàm hoặc đàm ít mà dính, nuốt nghẹn, hầu hạch phì to ửng đỏ, luôn cả xung quanh, trên hầu hạch hoặc có nốt mủ sắc trắng vàng. Thường sau trưa triệu chứng rõ rệt, và có thể gò má đỏ sau trưa, tinh thần mệt mỏi, lòng bàn tay chân nóng. Lưỡi đỏ hoặc khô ít rêu, mạch tế sác là thể phế âm khuy hư.
- Pháp trị: Dưỡng âm thanh phế, tư thận giáng hỏa, thanh lợi yết hầu.
- Bài thuốc: Ích khí thanh kim thang gia giảm: Bắc sa sâm 12g, thái tử sâm 12g, mạch đông 12g, huyền sâm 12g, xạ can 8g, tang bạch bì 12g.
- Gia giảm: Ho khan: gia hạnh nhân 8g, xuyên bối mẫu 6g. Miệng hôi: gia thạch hộc 12g, tri mẫu 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Châm cứu: Huyệt hợp cốc, khúc trì, túc tam lý, giáp xa... châm kim, kích thích vừa hoặc yếu, lưu kim 20-30 phút, mỗi ngày châm 1 lần, 7 ngày là 1 liệu trình.
Làm gì để phòng ngừa viêm Amidan?
Bên cạnh việc điều trị theo Đông-Tây y, mỗi cá nhân chúng ta cần phải có các phương pháp phòng bệnh để ngăn ngừa viêm Amidan như sau:
Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng bằng nước muối loãng hoặc nước súc miệng sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn trú ngụ trong vòm họng một cách hiệu quả, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh viêm họng, viêm amidan…
Thường xuyên kiểm tra răng miệng, tai mũi họng định kỳ.
Nguyên nhân gây viêm amidan là do vi khuẩn, virus tấn công khi hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta bị suy yếu. Việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể được thực hiện từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bạn nên chú ý bổ sung nhiều vitamin C với các thực phẩm.
Không hút thuốc lá, giảm ăn đồ cay nóng, chất kích thích, đeo khẩu trang khi ra đường.
Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tăng cường thể lực, sức dẻo dai và khả năng thích nghi trước những thay đổi của môi trường.
Kết luận
Viêm Amidan là căn bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu không được xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của người bệnh. Vậy nên dù chữa viêm Amidan theo đông y hay tây y, người bệnh cũng nên cân nhắc các ưu, nhược điểm của các phương pháp, tình hình kinh tế và sức khỏe để lựa chọn cách điều trị tối ưu cho bản thân mình.
- CHỮA ĐAU BỤNG DO LẠNH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ (20.04.2022)
- ĐÔNG Y DÙNG THUỐC VÀ THỨC ĂN ĐIỀU TRỊ HẬU COVID-19 (27.03.2022)
- VÌ SAO CÁC KHỚP Ở CHI DƯỚI LẠI DỄ VIÊM DO GÚT NHIỀU HƠN CÁC KHỚP Ở CHI TRÊN? (23.12.2021)
- ĐAU ĐẦU - TRIỆU CHỨNG DỄ GẶP NHƯNG KHÓ CHỮA (04.07.2021)
- THOÁI HOÁ CỘT SỐNG CỔ (01.07.2021)
- THẤT BẢO MỸ NHIỆM ĐƠN - BÀI THUỐC CHỮA TÓC BẠC SỚM NỔI TIẾNG GẦN 500 NĂM CỦA CỔ NHÂN (29.06.2021)
- BAO TỬ HẦM TIÊU - MÓN ĂN KIỆN TỲ DƯỠNG VỊ (23.06.2021)
- BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT DƯƠNG HƯ TRONG MÙA LẠNH NHƯ THẾ NÀO? (21.01.2021)
- THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CÓ NÊN MỔ KHÔNG? (10.07.2020)
- UỐNG THUỐC SAO CHO ĐÚNG CÁCH (08.07.2020)