ThS.BS.Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên ĐH Y Dược TP. HCM
Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn…) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt. Còn cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.
Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông. Người ta chế thành các loại kim khác nhau, châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị); sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích thông kinh hoạt lạc, khử tà phù chính (khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể) mà chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm.
Còn cứu (đốt cứu = đốt ngải cứu) là đưa sức nóng tác động vào huyệt, là phương pháp trị liệu và ngăn ngừa các chứng bệnh bằng cách dẫn truyền sức nóng vào các huyệt đạo hoặc các vùng nhất định của cơ thể con người. Vật liệu chủ yếu là bột ngải cứu ép thành điếu (điếu ngải cứu) hay các viên nhỏ hình chóp hoặc trụ (mồi ngải cứu).
Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.
Xin giới thiệu đến quý vị và các bạn một số hình thức châm cứu đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả điều trị cao trong thực tế lâm sàng.
-
MAI HOA CHÂM
Mai hoa châm là phương pháp dùng kim hoa mai (5 – 7 chiếc kim nhỏ
cắm vào đầu một cán gỗ) gõ trên mặt da, nhằm mục đích chữa bệnh hoặc
phòng bệnh. Đây là một hình thức phát triển của châm cứu.
- Chỉ định
Nói chung là gõ kim hoa mai có thể dùng để chữa trị các bệnh như
hào châm vẫn thường làm. Phương pháp này tỏ ra thích hợp nhất đối với các loại bệnh: suy nhược thần kinh, đau đầu mất ngủ, đau dây thần kinh liên sườn, liệt dây thần kinh VII, cơn đau dạ dày tá tràng, tiêu hoá kém, đau bụng kinh, đái dầm, sa trực tràng, sạm da, mẩn ngứa ngoài da...
- Chống chỉ định
Những trường hợp sau đây không được gõ kim hoa mai: vừa ăn no,
say quá, đói quá, đang vã mồ hôi, phụ nữ có thai, bệnh ngoài da bị viêm loét chảy nước vàng, chảy mủ.
- Phác đồ huyệt
Mai hoa châm không sử dụng phác đồ huyệt như thể châm mà điều trị
theo vùng, khu điều trị trên cơ thể. Ngoài cách phân chia mặt da làm 12 khu theo kinh điển, người ta còn quy ước một sự phân chia khác để tiến hành điều trị, theo đó cơ thể được chia ra các vùng:
- Vùng đầu mặt gồm: khu trán, khu trước đỉnh đầu và hai bên đầu, khu đỉnh đầu, khu đầu sau, khu mắt, khu mũi, khu môi, khu gò má, khu tai và khu thái dương.
- Vùng cổ gồm: khu sau gáy, khu trước cổ, khu cơ ức đòn chũm.
- Vùng chi trên gồm: khu trong cánh tay, khu trong khuỷu tay, khu trong
cẳng tay, khu trong cổ tay, khu gan bàn tay, khu ngoài cánh tay và khu ngoài cẳng tay, khu mu bàn tay và khu ngón tay.
- Vùng chi dưới gồm: khu trước đùi, khi trước cẳng chân, khu sau đùi và
vùng khoeo chân, khu sau cẳng chân, khu mé trong đùi và cẳng chân, khu
mé ngoài đùi và cẳng chân, khu trước cổ chân và mu chân, khu gan bàn
chân, khu xương bánh chè, khu mắt cá trong và mắt cá ngoài.
- Vùng ngực gồm: khu xương ức, khu lồng ngực.
- Vùng bụng gồm: khu bụng trên, khu bụng dưới, khu nếp bẹn.
- Vùng lưng gồm: khu lưng trên, khu lưng giữa, khu lưng dưới, khu xương bả vai, khu cơ thang và trên vai.
- Thủ thuật
- Cách cầm kim hoa mai: ngón tay cái và ngón giữa cầm chặt 1/3 cán kim, ngón nhẫn và ngón út đỡ thân cán vào lòng bàn tay, ngón trỏ đặt lên cán kim. Lúc gõ chủ yếu là cử động nhịp nhàng cổ tay, trực tiếp bổ kim tiếp xúc thẳng góc với mặt da.
- Thủ thuật gõ kim hoa mai: có 3 cách gõ là gõ nhẹ, ngõ vừa và gõ mạnh.
+ Gõ nhẹ: gõ rất nhẹ nhàng trên mặt da, hoàn toàn không đau. Người bệnh cảm thấy thoái mái, dễ chịu, thủ thuật này có tác dụng tư bổ, tăng sức khoẻ cho người bệnh, thường dùng cho chứng hư hàn.
+ Gõ vừa: sức không nhẹ, không mạnh, có tác dụng bình bổ bình tả, thường dùng trong các chứng bán biểu bán lý, không hư không thực.
+ Gõ mạnh: gõ mạnh sức hơn, sức bật của cổ tay khoẻ hơn, tuy nhiên người bệnh vẫn đủ sức chịu đựng, thủ thuật này có tác dụng tả, áp dụng với các chứng thực nhiệt.
- Trình tự gõ kim hoa mai: cần gõ theo một thứ tự nhất định, trước hết gõ
vùng thường quy rồi gõ khu trọng điểm sau đó gõ khu kết hợp. Trường hợp trong công thức điều trị không có thường quy mà chỉ có khu trọng điểm và khu kết hợp thì gõ khu trọng điểm trước, khu kết hợp sau.
Nếu gõ theo vùng thì gõ vùng đầu, vùng lưng trước, gõ vùng ngực,
bụng, chân sau. Gõ vùng đầu thì gõ khu trán trước, rồi gõ khu thái dương,
khu đỉnh đầu và cuối cùng là khu chẩm.
- Thời gian: 20- 30 phút cho một lần gõ mai hoa châm
- Liệu trình điều trị
- Gõ kim mai hoa ngày một lần.
- Một liệu trình điều trị từ 10 - 20 lần.
-
HÀO CHÂM
Hào châm là phương pháp sử dụng kim nhỏ (hào kim, 4-6cm) để châm vào huyệt trên cơ thể nhằm mục đích phòng và trị bệnh. Hào kim là loại kim có thân kim rất nhỏ, mũi kim nhọn, có nhiều loại dài ngắn khác nhau. Loại kim này được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh
và được dùng phổ biến hiện nay.
- Chỉ định
- Bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như rối loạn thần kinh tim, mất ngủ không rõ nguyên nhân, kém ăn, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm cúm, bí tiểu chức năng, nấc,...
- Các chứng đau cấp và mạn tính: đau do đụng giập, chấn thương, đau sau mổ, đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh...
- Một số bệnh do viêm nhiễm như viêm tuyến vú, chắp, lẹo....
- Chống chỉ định
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
- Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa...
-
MÃNG CHÂM
Mãng châm là hình thức kết hợp giữa trường châm và cự châm cổ điển trong Thiên Cửu Châm (sách Linh Khu).
Kỹ thuật mãng châm là kỹ thuật dùng kim to, kim dài châm theo huyệt đạo tức là châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh hơn nên có tác dụng chữa các chứng bệnh khó như chứng đau, chứng liệt...
Kim châm trong sử dụng Mãng châm là kim có độ dài từ 15 cm, 20 cm, 30 cm có thể tới 60 cm, và đường kính từ 0, 5 đến 1 mm. Tùy từng huyệt đạo trên cơ thể mà ta có thể sử dụng các kim châm có độ dài tương ứng.
- Chỉ định
- Các chứng liệt (liệt do tại biến mạch máu não, di chứng bại liệt, liệt các dây thần kinh ngoại biên...)
- Các chứng đau cấp và mạn tính: đau do đụng giập, chấn thương, đau sau mổ, đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh...
- Châm tê phẫu thuật.
- Chống chỉ định
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
- Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa...
-
ĐIỆN CHÂM
Điện châm là phương pháp chữa bệnh phối hợp giữa tác dụng chữa
bệnh của châm cứu với kích thích bằng dòng điện.
Hiện nay thường sử dụng máy phát ra xung điện có tính năng ổn định,
an toàn, điều chỉnh thao tác dễ dàng, đơn giản. Kích thích của dòng xung
điện có tác dụng làm giảm đau, kích thích hoạt động các cơ, các tổ chức,
tăng cường dinh dưỡng các tổ chức, giảm viêm...
- Chỉ định
- Các chứng liệt (liệt do tại biến mạch máu não, di chứng bại liệt, liệt các
dây thần kinh ngoại biên, các bệnh lý đau như đau đầu, đau lưng, đau thần
kinh tọa, bệnh ngũ quan như giảm thị lực, giảm thính lực, thất ngôn, châm tê trong phẫu thuật...)
- Các chứng đau cấp và mạn tính: đau do đụng giập, chấn thương, đau sau mổ, đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh...
- Bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như rối loạn thần kinh tim, mất ngủ không rõ nguyên nhân, kém ăn, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm cúm, bí tiểu chức năng, nấc,...
- Một số bệnh do viêm nhiễm như viêm tuyến vú, chắp, lẹo....
- Châm tê phẫu thuật
- Chống chỉ định
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
- Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa...
-
THỦY CHÂM (Tiêm thuốc vào huyệt)
Thủy châm (hay tiêm thuốc vào huyệt) là một phương pháp chữa bệnh
kết hợp Đông- Tây y, phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học
thuyết kinh lạc của YHCT với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm.
Có những loại thuốc tiêm có tác dụng toàn thân, có những loại thuốc
chỉ có tác dụng tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
- Chỉ định
Giống như chỉ định của châm cứu. Thủy châm được dùng để chữa
một số bệnh mạn tính như: thấp khớp, đau dạ dày, hen phế quản, đau đầu,
mất ngủ, đau thần kinh tọa…
- Chống chỉ định
Giống như chống chỉ định của châm cứu: Người bệnh đau bụng cần
theo dõi ngoại khoa, bệnh tim nặng, trạng thái tinh thần không ổn định, vừa
mới lao động mệt, đói. Không được dùng những thuốc mà người bệnh có mẫn cảm, dị ứng, các loại thuốc có tác dụng kích thích gây xơ cứng, hoại tử các vùng có dây thần kinh và các cơ…Không thủy châm vào những huyệt ở vùng cơ mỏng, phía dưới là tạng phủ, khớp, dây chằng, gân cơ, dây thần kinh, mạch máu...
-
CẤY CHỈ
Cấy chỉ phương pháp châm cứu kết hợp cổ truyền và hiện đại, được tiến hành bằng cách dùng một loại protein lạ (chỉ catgut) vùi vào huyệt để phòng và chữa bệnh. Chỉ catgut là chỉ tự tiêu có bản chất là một protein, do đó trong quá trình tự tiêu nó luôn tạo ra kích thích cơ học lên huyệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt đó.
- Chỉ định
Các bệnh mạn tính - CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai.
- Da vùng huyệt bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da.
- Dị ứng với chỉ Catgut.
-
ÔN CHÂM
Ôn châm là vừa châm vừa cứu trên cùng một huyệt.
- Chỉ định
Bệnh lý có nguyên nhân hư hàn.
- Chống chỉ định
- Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt (có sốt cao...).
- Không nên tiến hành ôn châm ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt ...vì có thể gây bỏng, đặc biệt là những vùng bị mất cảm giác
- Thủ thuật
- Châm kim vào huyệt theo phác đồ điều trị
- Có thể dùng ba cách làm nóng kim để ôn châm:
+ Xuyên kim qua mồi ngải cứu gián tiếp trên huyệt.
+ Lồng một đoạn điếu ngải vào cán kim rồi đốt.
+ Hơ điếu ngải gần cán kim cho kim nóng lên, sức nóng theo kim truyền vào sâu.
-
CỨU
Cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt dể kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể để phòng và điều trị bệnh. Cứu thường dùng lá ngải cứu khô chế thành ngải nhung rồi làm mồi ngải hay điếu ngải để cứu.
- Cứu bao gồm cứu trực tiếp, cứu gián tiếp. Cứu gián tiếp bao gồm cứu cách gừng có tác dụng ôn trung tán hàn, cứu cách tỏi có tác dụng tiêu viêm trừ độc, cứu cách muối có tác dụng hồi dương cố thoát....
- Chỉ định
Bệnh lý có nguyên nhân hư hàn. - CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt (có sốt cao...).
- Không nên cứu ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt ...vì có thể gây bỏng, đặc biệt là những vùng bị mất cảm giác.
- Thủ thuật
- Tùy bệnh tật và huyệt cần cứu mà chọn cách cứu trực tiếp hay gián tiếp.
- Cứu trực tiếp: Dùng mồi ngải đặt vào huyệt rồi đốt. Khi mồi ngải cháy sẽ sinh nhiệt tác động lên da vùng huyệt được cứu. Khi mồi ngải cháy được 1/3 đến 2/3, người bệnh có cảm giác nóng, rát nơi cứu thì nhấc mồi ngải ra sau đó thay bằng mồi ngải khác. Sau khi cứu xong chỗ cứu thấy ấm và có quầng đỏ.
- Cứu gián tiếp: là cách cứu dùng lát gừng, tỏi hoặc muối... lót vào giữa da và mồi ngải. Trong khi cứu, nếu người bệnh thấy nóng nhiều thì nhấc lát gừng, tỏi lên để giảm độ nóng sau đó tiếp tục cứu. Cũng có thể lót thêm một lát gừng, tỏi khác để giảm sức nóng của mồi ngải. Tùy theo bệnh mà chọn
thứ này hay thứ khác để lót mồi ngải.
- Thứ tự trong khi cứu: Huyệt trên trước - huyệt dưới sau, huyệt kinh dương trước - huyệt kinh âm sau, huyệt chủ trị trước - huyệt phối hợp sau.
-
CHÍCH LỂ
Chích lể là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc được cha ông ta sử dụng từ ngàn xưa. Chích (còn gọi là Trích) là dùng kim tam lăng hoặc kim hào châm đâm nhẹ vào huyệt hoặc chỗ đậm nhất của vùng da ứ đọng huyết hoặc vùng đọng huyết (nơi có máu độc ứ đọng), khi rút kim máu tự vọt chảy ra ngoài. Lể (còn gọi là Nhể) là véo da lên, dùng kim đâm nhẹ vào đúng điểm tụ huyết hoặc xuất huyết, máu không tự chảy ra mà phải dùng tay nặn cho máu ra. Đây là phương pháp trực tiếp loại bỏ các chất độc và máu độc ra khỏi cơ thể để khai thông các kinh mạch, giúp cho khí huyết được điều hoà.
- Chỉ định
Chích lể được chỉ định để điều trị một số bệnh toàn thân cũng như tại
chỗ, từ các bệnh nội thương đến các chứng ngoại cảm, các bệnh cấp tính và mạn tính. Hiện nay, chích lễ được chỉ định trong một số chứng bệnh như sau:
- Trúng phong (giai đoạn cấp), cơn tăng huyết áp (khi không có sẵn trong tay thuốc hạ áp).
- Một số trường hợp phù nề các chi do viêm tắc động mạch, viêm tắc tính mạch.
- Một số chứng đau cấp: đau lưng, đau thần kinh toạ...
- Tắc tia sữa.
- Chắp lẹo.
- Đau đầu do ngoại cảm.
- Chống chỉ định
- Người bệnh có chỉ định cấp cứu ngoại khoa.
- Người bệnh đang sốt kéo dài hoặc mất nước, mất máu.
- Suy tim, loạn nhịp tim.
- Bệnh ưa chảy máu, Người bệnh suy giảm miễn dịch.
- Phác đồ huyệt
Tuỳ theo từng chứng bệnh mà người thực hiện chọn phác đồ huyệt
khác nhau, dưới đây xin nêu một số phác đồ chính.
- Trúng phong (giai đoạn cấp): Thập tuyên, Nhân trung, Thái dương, ấn đường.
- Chắp lẹo: Phế du, Nhĩ tiêm (Can nhiệt huyệt).
- Tắc tia sữa: Kiên tỉnh, Thiếu trạch.
- Đau lưng cấp: Nhân trung, Hậu khê, Uỷ trung.
- Đau đầu do ngoại cảm: Khúc trì, Thái dương, ấn đường.
- Thủ thuật
Xác định và sát trùng da vùng huyệt cần chích lể. Nặn dồn cho máu
tập trung về vùng huyệt. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ tay trái véo bóp mạnh da vùng huyệt; ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm kim một cách chắc
chắn, châm kim thẳng góc, mạnh và dứt khoát qua da đúng giữa vùng huyệt.
Rút kim ra và nặn máu từ từ, ấn êm sâu vào đáy điểm đau làm cho máu độc trào ra ở lỗ chích lể. Nặn hết máu độc (máu đỏ bầm) thì sát trùng lại vết chích lể.
- Liệu trình điều trị
- Bệnh cấp tính: mỗi ngày chích lể 1 – 2 lần, mỗi liệu trình điều trị từ 5 – 10 ngày.
- Bệnh bán cấp và mạn tính: mỗi ngày chích lể một lần, một liệu trình điều trị từ 10 – 20 ngày, người bệnh nghỉ 5 – 7 ngày để điều trị liệu trình tiếp theo.
- KHÔNG NÊN UỐNG THUỐC VỚI NƯỚC TRÀ HOẶC CÀ PHÊ! (17.11.2023)
- CỨU ẤM - MỘT PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐỘC ĐÁO VÀ HIỆU QUẢ CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN (16.11.2023)
- ĐIỀU TRỊ VẸO CỔ CẤP NHƯ THẾ NÀO? (16.11.2023)
- BÀI TẬP PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT ĐAU TẠI VÙNG VAI (15.11.2023)
- CHÂM CỨU ĐIỀU TRỊ ĐAU GÓT CHÂN (14.11.2023)
- ĐAU DO GÚT CẤP "DỮ DỘI" CỠ NÀO? (14.11.2023)
- BÀI THUỐC XÔNG ĐIỀU TRỊ CẢM MẠO TẠI NHÀ (11.11.2023)
- BÀI TẬP GIÚP GIẢM ĐAU & PHÒNG NGỪA ĐAU CỔ GÁY (03.11.2023)
- MỘT SỐ BÀI TẬP PHỤC HỒI VẬN ĐỘNG TRONG VIÊM CHU VAI/VIÊM GÂN CƠ CHÓP XOAY (02.11.2023)
- ĐIỀU TRỊ ĐAU VAI DO VIÊM GÂN CƠ CHÓP XOAY (03.10.2023)