ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên khoa YHCT
ĐHYD TPHCM
Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19 ngoài tấn công trực tiếp vào hệ hô hấp gây tổn thương cho phổi ra thì còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, tiết niệu sinh dục và các hệ thống khác. Các tài liệu báo cáo trong và ngoài nước cho thấy, các bệnh nhân Covid-19 sau khi phục hồi vẫn còn một số di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như ho, khó thở, mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, hay quên, stress, ăn uống kém, tiêu chảy, rụng tóc,...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2, thường là ba tháng kể từ khi bắt đầu mắc bệnh, các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng, không thể giải thích nguyên nhân bằng chẩn đoán thay thế.
Có 3 cơ chế chính giải thích cho vấn đề hậu Covid-19 :
• Thứ nhất là sự xâm nhập trực tiếp của virus vào tế bào cơ thể người thông qua thụ thể của men chuyển hóa angiotensin 2 (ACE2), gây ra vô số tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của tế bào mang thụ thể ACE2 ở hàng loạt các hệ thống cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp, da lông.
• Thứ hai là phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình chống lại sự xâm nhập và phát triển của virus, biểu hiện bằng hội chứng “cơn bão cytokines” gây bệnh cảnh nặng, tổn hại đa cơ quan trong đợt bệnh cấp.
• Thứ ba là những yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch như: Mắc bệnh, nghèo đói, mất việc, cách ly, mất người thân, đặc biệt là những bệnh nhân sống sót sau bệnh cảnh nguy kịch, từng điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
Về mặt Y học cổ truyền (YHCT), bệnh Covid-19 biểu hiện chủ yếu ở tạng Phế, nguyên nhân là do “Dịch lệ*” kết hợp với thấp trọc gây ra. Người bệnh hậu Covid-19 có biểu hiện chủ yếu là chính khí hư suy, Phế Tỳ hư tổn. Trên lâm sàng có thể gặp các thể bệnh như Phế Tỳ bất túc, khí âm lưỡng hư, thấp nhiệt, Can khí uất kết,...
YHCT có vai trò phân biệt và điều trị tổng thể hội chứng, tăng cường chính khí và loại bỏ các yếu tố gây bệnh, có tác động đa mục tiêu, đa tác dụng, điều hòa, cải thiện tổn thương của nhiều hệ thống.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu các phương thuốc phù hợp cho một số thể lâm sàng thường gặp trong các hội chứng hậu Covid-19:
- Triệu chứng: khó thở, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, tiêu phân lỏng, lưỡi nhợt, rêu trắng nhầy.
- Pháp trị: Bổ Phế kiện Tỳ hóa thấp
- Bài thuốc Hoàng kỳ lục quân tử thang gồm Bán hạ chế 9g, Trần bì 10g, Đảng sâm 15g, Chích Hoàng kỳ 30g, Bạch truật (sao vàng) 10g, Phục linh 15g, Hoắc hương 10g, Sa nhân 6g (cho vào sau), Cam thảo 6g. Mỗi ngày 1 thang, sắc còn 400 ml, chia làm 2 lần uống sáng, chiều.
Bài thuốc này ngoài công dụng kiện Tỳ ích Phế khí giúp giải quyết các triệu chứng khó thở, chán ăn, đầy bụng, tiêu lỏng,... thông qua nghiên cứu dược lý hiện đại còn cho thấy tác dụng điều tiết miễn dịch, phục hồi các thương tổn và chống xơ hóa phổi.
- Triệu chứng: mệt mỏi, hụt hơi, khô miệng, khát nước, hồi hộp, ra nhiều mồ hôi, chán ăn, ho khan hoặc có đàm ít. Lưỡi khô, mạch tế hoặc hư, vô lực.
- Bài thuốc Sa sâm mạch đông thang gia giảm gồm Sa sâm 10g, Mạch môn đông 15g, Tây dương sâm 6g, Ngũ vị tử 6g, Sinh thạch cao 15g (sắc trước), Đạm trúc diệp 10g, Lô căn 15g, Đan sâm 15g, Sinh cam thảo 6g. Mỗi ngày 1 thang, sắc còn 400 ml, chia làm 2 lần uống sáng, chiều.
Bài thuốc này ngoài công dụng ích khí dưỡng âm giúp giải quyết các triệu chứng hụt hơi, khô khát, ho khan,... còn có tác dụng phục hồi các di chứng tổn thương phổi, nội mạc mạch máu và phục hồi hệ miễn dịch của người bệnh.
Ngoài ra, trong một số trường hợp tà khí vẫn còn sót lại, các sản vật bệnh lý như đàm thấp, ứ nhiệt,... vẫn chưa được thanh lọc. Điều trị phục hồi hậu Covid-19 trong trường hợp này, ngoài lấy việc nâng đỡ chính khí làm gốc còn phải chú ý đến tán tà thông lạc để kinh lạc được thông suốt, khí huyết sung túc, cơ thể được phục hồi hoàn toàn.
*Lưu ý: nên sử dụng các bài thuốc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Đông y.
KẾT HỢP VỚI THỰC DƯỠNG TRONG PHỤC HỒI HẬU COVID-19
Nguyên tắc chung: chế độ ăn uống cân bằng, thực phẩm đa dạng, bổ sung đủ nước, tránh táo bón. Chú ý các món ăn kích thích ngon miệng, bổ phổi, dịu thần kinh, nhuận tràng.
Gợi ý một số thực phẩm phù hợp với tình trạng người bệnh:
- Nếu có triệu chứng sợ lạnh, lạnh bụng nên dùng gừng, hành lá, cải bẹ xanh, rau mùi (ngò rí),...
- Nếu có triệu chứng khô họng, khô miệng, bứt rứt khó chịu nên dùng trà xanh, đậu xị, khế chua, lá dâu tằm ăn, dưa hấu, bí đao,...
- Nếu có triệu chứng ho, khạc đàm nên dùng lê, bách hợp, đậu phộng, hạnh nhân, bạch quả, ô mai, cải chíp, vỏ quýt, tía tô,...
- Nếu có triệu chứng ăn uống không ngon, bụng đầy trướng nên dùng sơn tra, hoài sơn, bạch biển đậu, phục linh, cát căn, sa nhân, riềng, tiêu, tỏi, nghệ...
- Nếu có triệu chứng táo bón nên dùng mật ong, chuối, mè,...
- Nếu có triệu chứng mất ngủ nên dùng toan táo nhân, bá tử nhân, lạc tiên, tâm sen, lá vông nem,..
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 史锁芳,张晓娜,王博寒.中医药干预新型冠状病毒肺炎恢复期后遗症的研究进展[J].南京中医药大学学报,2021,37(3):473-476.
2. 汪宗清,聂红科,李青璇,等.基 于 网 络 药 理 学 探 讨 黄 芪 六 君子汤治疗新冠肺炎恢复期的作用机制[J].山东科学,2020,33(5):14-26.
3. 田野,李瑞明,任红微,等.生 脉 散 用 于 新 型 冠 状 病 毒 肺 炎 恢复期治疗的可行性探讨[J].药物评价研究,2020,43(3):378-383.
4. DONG MZ, ZHANG J, MA XF, et al. ACE2, TMPRSS2 distribution and extrapulmonary organ injury in patients with COVID-19 [J]. Biomedicine Pharmacother, 2020, 131: 110678.
5. WANG K, CHEN W, ZHANG Z, et al. CD147-spike protein is a novel route for SARS-CoV-2 infection to host cell [J]. Signal Transduct Target Ther. 2020, 5 (1): 283.
6. HAHN JN, KAUSHIK DK, YONG VW. The role ò EMM-PRIN in T cell biology and immunological diseaes [J]. J Leukoc Biol, 2015, 98(1): 33 – 48.
----------------------
Chú thích: Dịch lệ là những nhân tố bên ngoài gây bệnh, là thứ khí trái thường trong trời đất, có tính cách lây lan. Đây là mô tả về dịch bệnh có từ lâu trong Y học cổ truyền, có nhiều quan điểm trùng hợp với các dịch bệnh truyền nhiễm gây thành dịch của Y học hiện đại.
- MAI HOA PHẤN - PHƯƠNG THUỐC KHỬ MÙI CƠ THỂ TỪ HOÀNG CUNG TRUNG HOA (21.10.2017)
- MỒ HÔI GÂY MÙI KHÓ CHỊU ĐÔNG Y CHỮA THẾ NÀO? (27.09.2017)
- ĐIỀU TRỊ CẢM MẠO BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN (21.09.2017)
- ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM SAU SINH BẰNG ĐÔNG Y (21.09.2017)
- KẾT HỢP ĐÔNG TÂY Y ĐIỀU TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI (21.09.2017)
- ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG BẰNG ĐÔNG Y (22.09.2017)
- CHẾ ĐỘ ĂN LOW CARB – LỢI HAY HẠI? (22.09.2017)
- ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ LIỆT DÂY THẦN KINH VII NGOẠI BIÊN (22.09.2017)
- LÁ ĐU ĐỦ CHỮA UNG THƯ? (22.09.2017)
- NHỮNG “KẺ PHẢN ĐỒ” NGAY BÊN TRONG THỰC PHẨM (22.09.2017)