ThS.BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên ĐH Y Dược TP. HCM
Tiểu không kiểm soát hay còn gọi là tiểu són là tình trạng người bệnh không thể kiểm soát hoặc tự chủ được trong việc tiểu tiện khi tỉnh táo. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi và phụ nữ, ảnh hưởng đến khoảng 30% số nữ giới cao tuổi và 15% số nam giới cao tuổi. Tiểu són làm giảm chất lượng cuộc sống vì gây xấu hổ, kỳ thị, cô lập, và trầm cảm.
Sau khi đã được thăm khám, chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân thực thể bằng y học hiện đại. Việc kiểm soát tiểu tiện chủ yếu dựa bằng các bài tập và các loại thuốc kháng cholinergic, thuốc giãn cơ trơn bàng quang, và thuốc ức chế alpha,.. người bệnh có thểm kết hợp thêm phương pháp châm cứu để tăng hiệu quả điều trị.
Theo Đông y, bệnh này thường do tiên thiên bất túc, tuổi già sức yếu, hoặc khí hư do bệnh lâu ngày, Thận khí bất túc, hạ nguyên không vững, Bàng quang không có sức kiềm chế, hoặc do Phế Tỳ khí hư, Tỳ mất chức năng vận chuyển, trên hư không thể chế ngự dưới, hoặc do nhiệt hỏa tích tụ ở hạ tiêu, ẩm nhiệt kết tụ, mạch lạc bị cản trở, khí hóa Bàng quang mất điều hòa, mở đóng không đúng chức năng dẫn đến tiểu không kiểm soát.
Các thể lâm sàng thường gặp
- Thận khí bất túc: Người bệnh sợ lạnh, tay chân lạnh, tiểu nhiều ban ngày, tiểu đêm nhiều và dần dần nặng hơn, hạ nguyên không vững, khí hóa mất điều hòa, mở đóng không đúng chức năng, tiểu không kiểm soát, lưỡi nhạt đỏ, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch trầm tế.
- Phế Tỳ khí hư: Tỳ mất chức năng vận chuyển, trên hư không thể chế ngự dưới, tiểu nhiều dẫn đến tiểu không kiểm soát, mỗi khi ho, hắt hơi, sợ hãi, nước tiểu tự chảy ra nhiều hơn, lưỡi nhạt đỏ, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch tế nhược.
- Hỏa nhiệt uất hạ tiêu: Ẩm nhiệt kết tụ, mạch lạc bị cản trở, khí hóa Bàng quang mất điều hòa, dẫn đến tiểu nhiều, tiểu không kiểm soát.
Nguyên tắc điều trị
- Bệnh này đặc trưng bởi tiểu không kiểm soát, mục đích điều trị là khôi phục khả năng kiểm soát tiểu tiện. Do đó, điều trị chủ yếu dựa vào kinh thái âm Tỳ và thái dương Bàng quang.
- Chọn huyệt: Tam âm giao hoặc Côn lôn.
Phương pháp thực hiện
- Chứng thực dùng phương pháp tả, chứng hư dùng phương pháp bổ, chứng hư thực xen lẫn dùng phương pháp bình bổ bình tả.
- Huyệt Tam âm giao: Ở phía trên mắt cá trong 3 thốn, phía sau bờ trong xương chày. Khử trùng da, châm thẳng 1 - 1,5 thốn, vê kim cho đắc khí, mỗi 10 phút vê kim 1 lần, lưu kim 30 phút, mỗi ngày điều trị 1 lần, nhẹ thì 7 ngày là 1 liệu trình, nặng thì 10 ngày là 1 liệu trình.
Huyệt Tam âm giao
- Huyệt Côn Lôn: Ở chỗ lõm giữa mắt cá ngoài và gân gót. Thao tác tương tự như châm huyệt Tam âm giao
Huyệt Côn lôn
Ý nghĩa chọn huyệt
Trong Đông y, việc bài tiết nước tiểu bình thường phụ thuộc vào chức năng khí hóa của tạng Thận và chức năng kiềm chế của phủ Bàng quang. Thận chủ về cố tàng, chủ khí hóa, Bàng quang có chức năng lưu trữ và bài tiết nước tiểu. Nếu Thận khí không đủ, hạ nguyên không thể cố giữ, Bàng quang không có sức kiềm chế, dẫn đến tiểu không kiểm soát. Điều trị bằng đơn huyệt, chọn huyệt Tam âm giao hoặc huyệt Côn Lôn đều đạt được hiệu quả điều trị tốt, vì huyệt Tam âm giao và huyệt Côn Lôn có thể điều chỉnh và bổ sung Thận khí, cố giữ hạ nguyên, tăng cường khí hóa, thúc đẩy chức năng kiềm chế của Bàng quang. Do đó, đây là những huyệt được lựa chọn hàng đầu.
- PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH CHO NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT KHÍ HƯ (02.01.2025)
- PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH CHO NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT BÌNH HÒA (TRUNG TÍNH) (24.12.2024)
- QUAN NIỆM THỂ CHẤT TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN (20.12.2024)
- ĂN UỐNG ĐÚNG CÁCH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐỂ KHỎE MẠNH VÀ TRƯỜNG THỌ (19.12.2024)
- NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI “Ở CỬ” (14.12.2024)
- ĐAU ĐẦU SAU SINH: NHÌN TỪ GÓC ĐỘ Y HỌC CỔ TRUYỀN (14.12.2024)
- BÍ QUYẾT Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (13.12.2024)
- ĐƯƠNG QUY - "NHÂN SÂM" CỦA PHỤ NỮ (12.12.2024)
- PHƯƠNG THUỐC SINH HÓA THANG CỦA PHÓ THANH CHỦ (12.12.2024)
- ĐAU NHỨC TOÀN THÂN SAU SINH (11.12.2024)